HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC
Phương án sử dụng nước mặt
Ký hiệu và chức năng các công trình
- Công trình thu nước: dùng để thu nước nguồn (sông, hồ, nước ngầm,…).
- – Trạm bơm cấp 1: dùng để bơm nước từ công trình thu lên công trình xử lý.
- Trạm xử lý: dùng để làm sạch nước cấp.
- Các bể chứa nước sạch: dùng để chứa nước đã làm sạch, dự trữ nước cháy và điều hòa áp lực giữa các trạm xử lý (trạm bơm 1 và trạm bơm 2).
- Trạm bơm cấp 2: dùng để bơm nước từ bể chứa nước sạch lên đài hoặc vào mạng phân phối cung cấp cho các đối tượng sử dụng.
- Đài nước: dùng để dự trữ nước, điều hòa áp lực cho mạng giữa các giờ dùng nước khác nhau.
- Đường ống chuyển tải: dùng để vận chuyển nước từ trạm bơm cấp 2 đến điểm đầu tiên của mạng lưới phân phối nước.
- Mạng lưới phân phối nước: dùng để vận chuyển và phân phối nước trực tiếp đến đối tượng sử dụng.
Tùy theo yêu cầu về chất lượng nước, yêu cầu về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tùy điều kiện tự nhiên từng nơi, người ta có thể:
- Tổ hợp các công trình lại với nhau, ví dụ: tổ hợp công trình thu nước với trạm bơm 1, hoặc cả công trình thu nước, trạm bơm 1, trạm bơm 2 thành một khối.
- Có thể bớt một số công trình bộ phận trong một số công trình nêu trên, như bỏ bớt trạm bơm 2 và trạm xử lý nếu chọn được nguồn nước tốt, có thể cấp thẳng cho đối tượng sử dụng mà không cần xử lý.
- Có thể không cần đài nước nếu hệ thống cấp nước có công suất lớn, nguồn điện luôn bảo đảm và trạm bơm cấp 2 sử dụng loại bơm ly tâm điều khiển tự động…
Hệ thống cấp nước cho các xí nghiệp công nghiệp
Các xí nghiệp công nghiệp rất phong phú, đa dạng, phụ thuộc vào dây chuyền công nghệ sản xuất các loại sản phẩm khác nhau. Vì thế các sơ đồ hệ thống cấp nước cho các xí nghiệp công nghiệp cũng rất đa dạng.
Khi các xí nghiệp công nghiệp gần khu dân cư và chất lượng nước sản xuất tương tự như chất lượng nước sinh hoạt, lưu lượng nước sản xuất không lớn thì nên xây dựng kết hợp hệ thống cấp nước sinh hoạt + sản xuất + chữa cháy làm một hệ thống.
Ở những vùng có nhiều xí nghiệp công nghiệp tập trung thì nên dùng chung một hệ thống cấp nước cho các xí nghiệp công nghiệp, vì như vậy sẽ giảm được số lượng các công trình, hệ thống đường ống và do đó giảm được chi phí xây dựng cũng như chi phí quản lý hệ thống.
Nhìn chung, có thể sử dụng các sơ đồ các hệ thống cấp nước như đã nêu trên. Ngoài ra, có thể thực hiện theo các phương án sau:
Cấp nước tuần hoàn
Cấp nước nối tiếp (liên tục)
Lựa chọn sơ đồ hệ thống cấp nước
Việc lựa chọn sơ đồ hệ thống cấp nước cho một đối tượng cụ thể trong thiết kế là việc rất quan trọng vì nó sẽ quyết định giá thành xây dựng và giá thành quản lí của hệ thống. Vì vậy khi thiết kế phải nghiên cứu thật đầy đủ các yếu tố sau đây, tiến hành tính toán , so sánh các phương án về mặt kinh tế – kỹ thuật để có thể một sơ đồ tối ưu:
- Điều kiện về thiên nhiên, trước hết là nguồn nước (cần xem xét vấn đề bảo vệ và sử dụng tổng hợp các nguồn nước, đảm bảo cung cấp đủ lưu lượng cho nhu cầu hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai), sau đó là các yếu tố về thủy văn, các điều kiện về địa hình trong khu vực.
- Yêu cầu về lưu lượng, chất lượng và áp lực của các đối tượng sử dụng nước.
- Khả năng xây dựng và quản lí hệ thống (về tài chính, mức độ trang bị kỹ thuật, tổ chức quản lí hệ thống…).
- Phải dựa vào sơ đồ quy hoạch chung và đồ án thiết kế xây dựng khu dân cư và công nghiệp.
- Phải phối hợp với việc thiết kế hệ thống thoát nước.
Những phương án và giải pháp kỹ thuật chủ yếu áp dụng khi thiết kế hệ thống cấp nước phải dựa trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật sau đây:
- Giá thành đầu tư xây dựng.
- Chi phí quản lí hàng năm.
- Chi phí xây dựng cho 1 m³ nước, tính theo công suất ngày trung bình chung cho cả hệ thống và trạm xử lý.
- Chi phí điện năng cho 1 m³ nước.
- Giá thành xử lý và giá thành sản phẩm của 1 m³ nước.
Các chỉ tiêu trên phải xét toàn bộ hệ thống và riêng cho từng đợt xây dựng.
Phương án tối ưu là phương án có giá trị chi phí quy đổi nhỏ nhất, có xét đến chi phí xây dựng vùng bảo vệ vệ sinh.